Vang bóng một thời: Chuyện ông Bát Xì
BT- Phan Thiết xưa
có câu “Nhất Xì, nhì Đậu”. Xì tức là ông Bát Xì, tên thật là Trần Gia Hòa. Đậu
là bà Lục Thị Đậu - người được chúng tôi đề cập trong số báo tuần trước. Hai
người, một nam, một nữ giàu có nhất Phan Thiết. Câu nói của người xưa thôi thúc
chúng tôi tìm về quá khứ.
Cuộc đời cơ cực
Ngày ấy ở làng Phú Trinh (Phan
Thiết), vợ chồng một thầy giáo nghèo sinh được 2 cô gái và 1 cậu con trai. Cậu
con trai đặt tên Trần Gia Hòa với mong muốn con mình có cuộc sống bình an, hạnh
phúc sau này. Người chồng hằng ngày dạy học cho bọn trẻ trong xóm nghèo, còn
người vợ tảo tần chợ búa kiếm thêm đồng rau, đồng cháo nuôi con. Gia đình nhỏ ấy
luôn đầy ắp tiếng cười. Thế nhưng hạnh phúc đó chẳng được lâu. 9 năm sau đó
cậu bé Gia Hòa vĩnh viễn mất mẹ. Cha cậu buồn rồi sinh bệnh tật không còn sức
dạy học, nuôi con. Trong khốn cùng, cha cậu bấm bụng cho con mình đi giúp
việc cho một nhà giàu để nhận một số tiền trang trải việc gia đình. Cuộc sống
bất hạnh của cậu bé 9 tuổi bắt đầu từ đây. Cậu bị gia chủ bắt làm quần quật,
mỗi buổi cơm chỉ được một con cá nục nhỏ, quần áo dơ thì đợi đến tối cởi ra
giặt, sáng mặc lại chứ không có đồ thay. Năm Gia Hòa 15 tuổi may nhờ bà kế mẫu
ăn ở cần kiệm, bỏ ít tiền chuộc cậu về cho đi gánh muối mướn và lên rừng kiếm
củi. Được vài năm, giặc Tây đến cậu xin đi cắt cỏ ngựa và làm bồi cho bọn Tây
kiếm tiền mang về cho cha và mẹ (kế).
Dãy phố trên đường Ngô Sĩ Liên (hướng nhìn từ ngã tư quốc tế vào chợ Phan Thiết) trước đây có 15 căn của ông Bát Xì. |
18 tuổi, Gia Hòa lập gia đình với
một cô gái nghèo tên Phạm Thị Trí trong làng. Vợ chồng tất tả làm ăn nhưng việc
gì cũng thất bại. 7 đứa con ra đời nhưng bệnh tật không tiền chữa trị và lần
lượt ra đi. Bất hạnh và tai ương luôn bám riết người chồng, người cha ấy. Một
lần theo người ta đi vớt củi mùa lũ trên thượng nguồn sông Cà Ty, Trần Gia Hòa
trượt tay, bị nước cuốn trôi và may mắn bám vào được tảng đá mồ côi giữa dòng.
Sau lần chết hụt đó, Trần Gia Hòa nghĩ rằng ông trời muốn mình phải sống vì vậy
phải nghĩ cách tồn tại và vươn lên. Vợ chồng không nản chí và chọn nghề muối mắm
để sống. Khi có được vài chục đồng, vay thêm ba chục đồng nữa, vợ chồng muối
được một thùng cá đầu tiên, rồi dần dà cất được lều cá tại Phú Trinh. Đang trong
lúc bắt đầu làm ăn phát đạt, vợ của ông đột ngột mất, bỏ lại ông với những
quyết tâm làm thay đổi cuộc sống.
Hàm hộ của các
hàm hộ
Năm 1910, ông Trần Gia Hòa 38 tuổi,
quyết định tái hôn với bà Nguyễn Thị Trụ ở làng Phú Tài. Từ một sở lều mắm đầu
tiên ở ven sông Cà Ty, ông bà phát triển thành một khu nhà lều chế biến nước mắm
có hàng trăm thùng trổ và hàng trăm lao động trong một số năm. Và dĩ nhiên, ghe
thuyền đánh cá ở Phan Thiết đều tập trung cá về nhà lều của ông... Không chỉ ở
Phan Thiết, vợ chồng ông ra Phan Rí, một trung tâm ngư nghiệp thời đó để xây
dựng nhiều sở lều nước mắm. Tiền lãi từ sản xuất nước mắm, vợ chồng dành mua
nhà phố và mua ruộng. Trong bản phân chia thừa kế của ông, có gần 70 căn nhà phố
ở các đường: Gia Long (Nguyễn Huệ ngày nay), Trưng Trắc… Riêng tại đường Ngô Sĩ
Liên hiện nay, ông có nguyên dãy nhà phố 15 căn, ngó mặt ra chợ lớn Phan Thiết.
Về ruộng vườn, ông bà có hơn 4.000 ha ở các làng: Đại Tài, Đại Nẫm, Tầm Hưng,
Thiện Mỹ, Phú Lâm, Phú Hội, Lại An, Tỳ Hòa, Vĩnh Hòa, Phú Tài, Phú Long... Có
thể nói từ thập kỷ 20 - 40 của thế kỷ XX, vợ chồng ông Trần Gia Hòa là người sản
xuất nước mắm (hàm hộ) quy mô lớn nhất tại Bình Thuận. Các nhà hàm hộ nổi tiếng
ở Phan Thiết sau này cũng do vợ chồng ông cho mượn tiền và giúp đỡ để làm ăn mà
phát đạt.
Căn nhà xưa của ông Bát Xì ở Phú Trinh (đường Lê Thị Hồng Gấm) giờ chỉ còn mái vòm do chủ nhà (người khác mua lại) còn giữ lại làm kỷ niệm. |
Tìm hiểu tại sao ông Trần Gia Hòa
lại được người đời gọi bằng cái tên Bát Xì, chúng tôi được người nhà ông cho
biết, những người có tiền của thời đó nếu có đóng góp nhiều cho xã hội thì đệ
đơn lên triều đình xin phong tước và ông Trần Gia Hòa được triều đình Huế
phong Bát Phẩm (một tước phong như huân chương ngày nay). Tên gọi Bát Xì là từ
ghép của tước Bát Phẩm với Xì là tên tục của ông (từ đây trở đi gọi ông Trần
Gia Hòa là Bát Xì).
Tại góc đường Lê Thị Hồng Gấm -
Yersin (trước Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận ) có cây cầu bê tông nhỏ mà ngày nay
người ta quen gọi là cầu Bát Xì là do ông bà Bát Xì xây dựng, bắc qua con rạch
từ phía Phú Tài chảy ra sông Cái (Cà Ty ).
Nhiều tài liệu ghi nhận: Vợ chồng
ông Bát Xì đã tham gia ủng hộ “Tuần lễ vàng” cho Chính phủ Hồ Chủ tịch năm
1946(1). Đặc biệt, ông Bát Xì là cổ đông lớn của Công ty Liên Thành, một công ty
được thành lập từ ý tưởng của chí sĩ Phan Châu Trinh. Liên Thành là chủ sở hữu
và sáng lập ra Trường Dục Thanh (Phan Thiết), nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành
từng dạy học và cũng chính Liên Thành góp phần tổ chức, giúp đỡ tài chính cho
nhà ái quốc Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn, rồi sang Pháp(2). Không những thế ông
Bát Xì còn là cổ đông của Công ty Huỳnh Thúc Kháng. Công ty này là chủ của tờ
báo Tiếng Dân nổi tiếng tại Huế với chủ trương chống bạo quyền, hô hào khai
sáng, tập hợp nhân dân chống áp bức, mở mang dân trí, dân sinh do cụ Huỳnh Thúc
Kháng là chủ bút (đến năm 1943 tờ báo bị chính quyền Pháp đóng cửa)(3).
Gọi con về cống
hiến cho Tổ quốc
Với bà Nguyễn Thị Trụ, ông bà Bát Xì
có 4 người con (2 trai, 2 gái). Cả 4 người con ông đều sang Pháp du học. Một
người con tên Trần Văn Trường đỗ tiến sĩ y khoa năm 1938 và cũng mất năm này
tại Pháp. Hai người con gái đều học nghề thuốc tại Pháp rồi về nước làm việc.
Một người là bà Đốc Vy cùng chồng mở phòng khám bệnh lớn đối diện Rạp hát Hồng
Lợi (nay là Thành ủy Phan Thiết), sau này vào Sài Gòn lập công ty bào chế thuốc.
Người con gái còn lại cũng làm nghề y. Riêng người con trai út tên Trần Ngọc
Thành sau khi du học tại Pháp về nước tham gia Việt Minh. Ông Thành là đại đội
phó đại đội Hoàng Hoa Thám lừng danh tại Bình Thuận và các tỉnh miền Trung, Tây
nguyên (Đại đội trưởng là Nguyễn Minh Châu, sau này là thượng tướng Quân đội
nhân dân Việt Nam). Ông Thành được tặng thưởng nhiều huân chương chiến công.
Chính ông Trần Ngọc Thành - Đại đội phó và ông Bùi Văn Mỳ (Trung đội trưởng) chỉ
huy trận tập kích vào đồn Lầu Ông Hoàng ngày 14/6/1947(4). Đây là một trong 10
trận đánh tiêu biểu nhất trong lịch sử kháng chiến chống Pháp - Mỹ của tỉnh Bình
Thuận. Năm 1952, ông Trần Ngọc Thành bị giặc bắt và xử tử tại bưng Cò Ke (xã
Tiến Thành, Phan Thiết).
LÊ HUÂNhttp://baobinhthuan.com.vn/vn/default.aspx?cat_id=580&news_id=68897#content